“Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy, để em đến bên bờ ước mơ, dù năm tháng rộng dài gió mưa…”. Giai điệu ngọt ngào của bài hát “Người thầy” ngân vang gợi nhắc mỗi học trò cứ mỗi khi ngày 20 – 11, Ngày nhà giáo Việt Nam đến.
Từ ngàn đời nay, nghề dạy học luôn được xem là “nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” ( Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói). “Dưới ánh hào quang của ảnh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học” (Đôn – ki – xtôi) . Người thầy được ví như những người lái đò ngày đêm cần mẫn chở con thuyền tri thức đưa mỗi lứa học trò đến bến bờ thành công. Có không ít những người thầy đã trở thành hình mẫu để học sinh cố gắng phấn đấu vươn tới. Ngày 20 – 11 hằng năm là ngày mỗi học sinh nói riêng và toàn dân nói chung thể hiện sự tri ân với công ơn của các thầy cô. Thầy cô không chỉ là người dạy chữ, mà còn dạy mỗi chúng ta cách làm người. Thầy cô còn là người vun trồng, chắp cánh những ước mơ trong mỗi học trò. Hằng ngày, trên bục giảng, hằng đêm bên trang giáo án, mái tóc thầy ngày càng nhiều sợi bạc, thì những lứa học trò với tri thức, hoài bão, khát vọng được chắp cánh cũng ngày một nhiều thêm, thế hệ này nối tiếp những thế hệ kia bước đến tương lai bằng con đò mà thầy là người cầm lái. Bước qua chuyến đò, có người thành công, cũng có người thất bại nhưng chắc chắn một điều, sâu thẳm trong mỗi người đều ghi nhớ công ơn người lái đò ấy – người thầy.